Các gia đình trẻ, đặc biệt là những người mới kết hôn có con sớm phải đối mặt những thách thức từ cuộc sống, áp lực công việc và những vấn đề khác. Trong đó có sự phụ thuộc vào công nghệ, dịch vụ, vô tình tạo ra căn bệnh lười ở một số gia đình trẻ, lâu dài sẽ tạo ra những vấn đề không tốt, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.

“Bệnh lười” và câu chuyện gắn kết ở gia đình trẻ

Trở về nhà sau một thời gian làm việc, nhiều gia đình không muốn làm thêm bất cứ công việc nào, sự mệt mỏi muốn nghỉ ngơi khiến cho họ không muốn làm các công việc nhà, kể cả việc nấu một bữa cơm.

Anh Trần Ngọc Hoàng (Quận 8, TP.HCM) cho biết: “Về tới nhà cũng tối rồi, ai cũng mệt và vợ chồng tôi thường rủ ra ngoài ăn, riết cũng trở thành thói quen, đến khi có thời gian cuối tuần thì vẫn lười, nên muốn có thời gian để nghỉ ngơi”.

Bệnh lười xuất hiện tác động đến nhiều gia đình trẻ bởi nhiều yếu tố khác như: áp lực công việc, các khoản nợ, chi phí hàng tháng…khiến họ phải dành rất nhiều thời gian và sức lực cho các hoạt động đó. Ngoài ra các dịch vụ hiện đại cũng là yếu tố góp phần tạo ra bệnh lười như giao đồ ăn nhanh, thuê người dọn dẹp, có thể giúp các công việc được thực hiện dễ dàng nhưng cũng đồng thời làm giảm đi sự cố gắng của các thành viên trong gia đình.

câu chuyện cuộc sống: bệnh lười

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Về lâu dài sẽ biến thành nếp sống và gây ra hệ lụy rất lớn, thứ nhất bản thân của người lười biếng trong gia đình thì sẽ không tìm được cảm giác hạnh phúc, thứ hai khi quen với nếp sống lười biếng, họ cũng tự cho bản thân có quyền lợi là được vô trách nhiệm, tôi không cần có nghĩa vụ gì với gia đình, nhà chỉ là nơi để về”.

Hệ lụy của căn bệnh lười biếng khi một gia đình không sinh hoạt và tương tác cùng nhau thì những nét văn hóa riêng, đặc thù riêng trong gia đình sẽ không có cơ hội để phát triển, những trẻ em được sinh ra trong gia đình này sẽ không biết được các chuẩn mực, cách thức để tương tác và gây ra những vấn đề lớn cho trẻ sau này.

Để bệnh lười không còn xuất hiện trong gia đình, việc thiết lập kế hoạch là rất quan trọng. Mỗi gia đình cần đề ra các mục tiêu kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng tháng hoặc thực hiện các hoạt động gia đình vào cuối tuần sẽ tạo cơ hội để tăng cường và tương tác giữa các thành viên, không chỉ chống lại bệnh lười mà còn mang lại cảm giác ấm áp trong gia đình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho các công việc trong tuần, thì chúng ta phải nghĩ là những ngày cuối tuần phải dành cho gia đình, đồng thời cũng là ngày phục vụ cho bản thân sức khỏe chúng ta”.

Bên cạnh đó chúng ta cần phải tạo ra một không gian thoải mái cho gia đình như các hoạt động cùng nhau xem phim, đọc sách, một cách tự nhiên có thể giúp làm giảm căng thẳng và tránh tác động từ những yếu tố khác.

Clip  “Bệnh lười” và câu chuyện gắn kết ở gia đình trẻ:

Ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”

Hài hước có thể nói là một ưu điểm lớn trong cuộc sống, không phải ai cũng có được và một người hài hước sẽ luôn mang lại năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tuy nhiên để sự hài hước đi quá giới hạn và không biết cách kiểm soát, nhiều người biến hình ảnh bản thân mình trở nên kém duyên, và đâu là ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”?, chúng ta cần làm gì để kiểm soát, điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp?

Để tạo không khí vui vẻ và thoải mái, anh A.T ở TP.HCM, thường có thói quen và chọc giỡn với mọi người trong nhóm và luôn là tâm điểm làm cho mọi người vui và thoải mái, tuy nhiên có những lúc anh T khiến mọi người khó chịu với trò đùa quá trớn của mình.

Có một lần tôi đã lấy ngoại hình của một bạn trong nhóm ra đùa giỡn và bạn đó không nói gì hết, nhưng khi về nhà bạn ấy đã chặn hết tin nhắn của mọi người và không bao giờ liên lạc với tôi nữa, tôi cảm thấy rất có lỗi với bạn đó”, anh A.T cho biết.

TS Nguyễn Thị Vân, chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Bối cảnh chúng ta tạo ra sự hài hước có phù hợp hay không, như một bầu không khí nghiêm trang mà tạo ra một yếu tố “hài hước” thì điều đó là “kém duyên”. Phải quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để biết được sự hài hước của mình phù hợp hay kém duyên.”

Người hài hước, là người có thể tạo ra tiếng cười một cách tự nhiên và tích cực, bằng cách sử dụng lời nói hoặc hành động để làm cho bầu không xung quanh mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Mặt khác, một người trở nên kém duyên khi không nhận ra ranh giới của sự hài hước và đùa giỡn quá trớn, họ thiếu sự nhạy cảm và thường không chú ý đến cảm xúc của mọi người.

Chị Lưu Thị Thu Lan (TP.HCM) cho biết: “Mình từng bị giỡn kém duyên, người đó liên tục lấy chuyện tình cảm vừa mới đổ vỡ của mình ra đùa giỡn, mình không hiểu tại sao làm như vậy và dần dần mình không còn tiếp xúc nữa, mặc dù cả hai rất thân”.

Thực tế có những người lấy điểm yếu của người khác ra đùa giỡn, cho rằng mình đang tạo ra không khí vui vẻ. Tuy nhiên gây ra nhiều hệ lụy làm cho người khác khó chịu, bị xúc phạm và không được tôn trọng. Ngoài ra những trò đùa kém duyên sẽ khiển hình ảnh của bản thân bị xấu đi trong mắt người khác. Do đó việc nhận biết và tránh các trò đùa kém duyên là rất quan trọng để giúp không khí trở nên vui vẻ, mọi người gia tăng sự tự tin tích cực trong vấn đề nhắc đến thì chúng ta mới tạo nên một không khí hòa hợp với tất cả mọi người.

Clip ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”:

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Cụ thể, người Việt đang dành gần 50% thời gian sử dụng điện thoại cho những ứng dụng như Facebook, TikTok, Zalo.

Đây là kết quả khảo sát được báo cáo trong “Vietnam mobile app popularity 2024” (Mức độ phổ biến của ứng dụng di động Việt Nam 2024) mới đây của Q&Me (một trong những nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu trực tuyến lớn nhất). Trước đó, năm 2023, thời gian sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động của người Việt đã giảm xuống trung bình khoảng 4,1 giờ/ngày, giảm 2,4 giờ so với năm 2022. Tuy nhiên con số này đã tăng 1,4 giờ trong năm nay, lên 5,5 giờ/ngày.

FACEBOOK LÀ MẠNG XÃ HỘI CHIẾM NHIỀU THỜI GIAN SỬ DỤNG NHẤT TRONG NGÀY

Theo báo cáo này, mạng xã hội được người dùng dành nhiều thời gian nhất để sử dụng (47%), khoảng 2,6 giờ/ngày, tăng gấp đôi thời gian sử dụng so với năm ngoái (28%). Vì vậy, thời gian dành cho việc sử dụng các ứng dụng như nhắn tin/gọi điện, chơi game, chụp ảnh/chỉnh sửa,v.v của người Việt trung bình đều đã giảm khoảng 4,4% (giảm khoảng 15 phút sử dụng mỗi ngày).

Năm nền tảng mạng xã hội được người Việt dành nhiều thời gian sử dụng nhất lần lượt là: Facebook (33%), TikTok (18%), Zalo (15%), Messenger (7%), Youtube (6%). Theo đó, chỉ 5 nền tảng này đã chiếm đến 3/4 thời lượng sử dụng ứng dụng di động của người Việt. Tuy nhiên, khi xét trên tiêu chí tần suất mở ứng dụng trong một tuần, 98% những người được hỏi cho biết họ mở Zalo nhiều nhất vì đây cũng là ứng dụng được người Việt sử dụng để giao tiếp hàng ngày.

Trái với dự đoán của nhiều người, TikTok không phải là mạng xã hội được người Việt ưa chuộng nhất trong năm 2024. Tuy nhiên, theo nhận định của Q&Me, mức độ phổ biến của nền tảng này cũng ngày càng cao hơn vào năm 2024 do nhu cầu sử dụng tính năng mua sắm (TikTok shop) của người dùng ngày càng tăng.

CÁC ỨNG DỤNG TÀI CHÍNH THÂM NHẬP THÓI QUEN SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI CỦA NGƯỜI VIỆT

Thông qua khảo sát, Q&Me cho biết 88% số người được hỏi đang thường xuyên sử dụng thanh toán di động hoặc ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Điều này cho thấy mức độ thâm nhập của các ứng dụng tài chính ngày càng tăng trong cuộc sống của người Việt Nam trong những năm gần đây.

tiktok, zalo, facebook

Trong đó, theo Q&Me, tương tự năm ngoái, Techcombank tiếp tục là ngân hàng được người Việt sử dụng nhiều nhất, xếp thứ hai là MB Bank. Bên cạnh đó, Momo cũng tiếp tục là ví điện tử được người Việt ưa chuộng khi giữ vị trí số 2 trong bảng xếp hạng ứng dụng tài chính.

Sau đại dịch, thị trường ứng dụng tài chính ngày càng sôi động cả ở phía người dùng và doanh nghiệp, cho thấy thị trường số hoá còn rất tiềm năng khai thác. Dự đoán các công ty fintech sẽ cạnh tranh ngày một gay gắt và điều này có thể đem lại nhiều hơn lợi ích và giá trị hơn cho người dùng.

Trong xếp hạng ứng dụng vận chuyển (bao gồm cả gọi xe và giao đồ ăn), Grab giữ vị trí đầu bảng với tỷ lệ sử dụng là 32% số, xếp ngay sau đó là tân binh Xanh SM với 12%. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của Xanh SM như thời điểm hiện tại, ứng dụng này được nhiều chuyên gia dự đoán sẽ lập lại trật tự thị phần gọi xe công nghệ tại thị trường Việt Nam.

Về hạng mục phát video trực tuyến, YouTube hiện giữ vị trí số 1 với 78% người tham gia khảo sát sử dụng mỗi ngày với thời gian sử dụng trung bình khoảng 20 phút/ngày. Youtube đã vượt qua hàng loạt các đối thủ như Netflix, VieON, FPT Play,…

Ngoài ra, với hạng mục trò chơi, Liên Quân Mobile liên tiếp 3 năm dẫn đầu hạng mục game trong báo cáo về mức độ phổ biến các ứng dụng tại thị trường Việt Nam của Q&Me. Theo báo cáo này, Liên Quân Mobile chiếm 0,6% thời gian người Việt sử dụng các ứng dụng di động mỗi ngày.

Theo Vneconomy

Nhiều bậc phụ huynh liên tục nhận được những đường link lạ mạo danh trường học của con mình. Khi nạn nhân nhấn chuột vào đường link trên, toàn bộ thông tin cá nhân bị đối tượng xấu đánh cắp, rồi chiếm quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội.

Gần đây, chị NTN nhận được tin nhắn có kèm đường link lạ mạo danh trường mà con chị đang theo học. Nội dung tin nhắn yêu cầu chị N vào link của trường để đăng ký thông tin cho con. Vì lý do này, chị đã không ngần ngại nhấn vào link nhập thông tin. Tuy nhiên, sau khi nhập xong, chị phát hiện các tài khoản mạng xã hội của mình đã bị chiếm quyền kiểm soát. “Tôi nhận được một đường link lạ từ trường con mình đang học, yêu cầu nhập thông tin cập nhật cho bé. Mặc dù ban đầu cảm thấy lạ, nhưng vì môi trường online đang phổ biến, tôi cũng đã nhập thông tin mà không nghĩ tới hậu quả. Sau một thời gian, tôi phát hiện tài khoản của mình đã bị chiếm đoạt. Tôi đã rất khó khăn, phải nhờ đến các anh chị bên IT để lấy lại toàn bộ các tài khoản mạng xã hội. Tôi cũng đã liên hệ đến trường và biết được phía bên trường học không hề có yêu cầu nhập thông tin vào đường link đó”chị NTN cho biết.  

Mục đích chính của các đối tượng là lôi kéo người nhận tin nhắn, truy cập vào các đường link mà họ tạo ra để cài mã độc và đánh cắp thông tin. Nếu người dùng đăng nhập vào các đường link này và làm theo hướng dẫn, tin tặc có thể khai thác thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân để lợi dụng hoặc đánh cắp tiền. Nguy hiểm hơn các đối tượng xấu đã sử dụng một phần mềm Trí Tuệ Nhân Tạo để nhận biết thói quen của người sử dụng mạng xã hội và tự động gửi tin nhắn chứa mã độc.

Nhiều phụ huynh bị mất thông tin, quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội khi click vào đường link lạ
Nhiều phụ huynh bị mất thông tin, quyền kiểm soát tài khoản mạng xã hội khi click vào đường link lạ

ThS Lê Tấn Phước – Nguyên Trưởng Khoa CNTT, Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM cho biết: “Thay vì sử dụng các chữ cái bình thường, chúng sử dụng các kỹ thuật thay đổi như chữ m thay thế bằng chữ r, chữ n, và các ký tự khác để lừa đảo người nhận tin nhắn. Chúng ta có thể bị dẫn dắt vào các đường link lạ xảy ra hai tình huống nguy hiểm: bị lừa đăng nhập và bị khai thác thông tin, hoặc bị cài đặt virus vào thiết bị của mình”.

Các đối tượng thường tận dụng chiêu bài đánh vào điểm yếu của các phụ huynh, nhất là các vấn đề liên quan đến việc học hành của con. Vì thế, các phụ huynh rất dễ rơi vào bẫy. Do đó, quý phụ huynh nên cực kỳ cảnh giác và không đăng nhập vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc không được xác thực. Khi nhận được tin nhắn yêu cầu truy cập vào bất kỳ đường link nào, người dùng cần bình tĩnh kiểm tra lại xem liệu đó có phải là đường link giả mạo hay không. Vì thực tế, đường link này thường chứa rất nhiều ký tự khác biệt so với đường link chính thức của các cơ quan tổ chức.

Để tránh rủi ro, thông thường khi nhận link, người dùng nên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi nhấp vào. “Để tránh trường hợp này, thông thường khi nhận link, chúng ta cần phải kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc của nó. Hiện nay, các đối tượng tội phạm thường sử dụng dịch vụ Brandname để mạo danh tên các tổ chức, làm cho các đường link giả mạo trở nên khó phân biệt. Dấu hiệu này thường khó nhận biết, nhưng các phụ huynh nên xem xét kỹ lưỡng đường link cụ thể để xác định liệu đó có phải là link của trường hay không”, ThS Lê Tấn Phước TP.HCM khuyến cáo.

Luật sư Bùi Trọng Hiển – Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển cho biết: “Hành vi chiếm quyền sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc thiết bị điện tử của người khác là hành vi vi phạm pháp luậtCác hình phạt cho hành vi này có thể từ phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng, trong trường hợp nặng hơn có thể nhận án phạt lên đến 12 năm tù giam”.

Hành vi lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng ngày càng phổ biến và tinh vi hơn. Đặc biệt, các thủ đoạn lừa đảo luôn được các đối tượng liên tục cập nhật để dễ dàng qua mặt người dùng. Người dân cần phải cảnh giác và tỉnh táo để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu.

Clip Gửi đường dẫn lạ cho phụ huynh để lừa đảo:

Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội

Nhờ có mạng xã hội mà chúng ta dễ dàng kết nối với nhau, cung cấp cho chúng ta rất nhiều mặt lợi ích khác. Một người trẻ có thể sở hữu nhiều tài khoản mạng xã hội để phục vụ sở thích, nhu cầu giải trí, cá nhân và dành rất nhiều thời gian cho chúng.

Em Nguyễn Lan Vy – Quận Tân Bình, TP.HCM cho biết, thời gian sử dụng mạng xã hội một ngày dao động từ 3 đến 4 tiếng với nhu cầu giải trí. Em Trần Thảo Anh – Quận Tân Bình, TP. HCM chia sẻ: “Một ngày em sử dụng mạng xã hội khá nhiều để em cập nhật thông tin từ mạng xã hội, từ 4 đến 6 tiếng”. 

Theo các nghiên cứu, khi dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, có thể gây ra các chứng rối loạn lo âu, tâm thần. Trong đó, trầm cảm do lạm dụng mạng xã hội đang là một trong những bệnh lý mà nhiều người trẻ gặp phải hiện nay. Em Trần Tiến Long ngụ tại TP.Thủ Đức chia sẻ: “Nguy cơ trầm cảm này có thể xuất phát từ những thông tin sai lệch, bạo lực, ngôn từ cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tâm lý người dùng”.

Thạc sĩ Trần Nam – Chuyên gia Xã hội học, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM cho biết: “Khi tập trung quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, có thể ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe thể chất và thời gian của mình trong một ngày, đặc biệt là ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội vốn đòi hỏi phải có sự tương tác trực tiếp, khiến cho đầu óc của họ sẽ bị mệt mỏi và họ có thể bị căng thẳng, stress, nếu như chỉ tập trung vào mạng xã hội để có thể tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó, tâm lý sẵn sàng giao tiếp với người khác ở môi trường thực tế, nó có thể bị ảnh hưởng”.

Trầm cảm do mạng xã hội cũng có các triệu chứng tương tự như các vấn đề trầm cảm thông thường. Tuy nhiên, người bệnh có xu hướng chìm đắm trong thế giới ảo, mang trong mình những cảm xúc tuyệt vọng, những tâm lý bất ổn của người bệnh, dù có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng ít được chú ý đến.

Người bệnh có xu hướng chìm đắm trong thế giới ảo, mang trong mình những cảm xúc tuyệt vọng, những tâm lý bất ổn, dù có thể dễ dàng nhận thấy nhưng ít được chú ý. Trong một buổi cơm hay trong các sinh hoạt gia đình, chúng ta cần phải quan sát người thân, nhận biết các dấu hiệu và động viên họ chia sẻ những vấn đề họ đang gặp phải”bác sĩ CKII Trần Minh Khuyên chia sẻ.

Mạng xã hội phát triển giúp có sự kết nối cùng nhau, nhưng người dùng cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, biết chọn lọc thông tin hữu ích để tiếp nhận. Không nên quá lạm dụng và dành thời gian cho các hoạt động ý nghĩa bên ngoài. Kết nối với những người thân yêu trong gia đình và các mối quan hệ xã hội chất lượng, để tránh được nguy cơ trầm cảm xảy ra do lạm dụng mạng xã hội.

Clip Nguy cơ trầm cảm do mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. 

Khi cảm xúc lấn át lý trí, hành động và lời nói sẽ bộc phát thiếu kiểm soát. Không dừng lại ở đời thực, nhiều người còn mất bình tĩnh, thiếu kiềm chế cảm xúc trên không gian mạng, dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Thực tế, cảm xúc chúng ta thể hiện trên mạng có thể phản ánh và ảnh hưởng đến cuộc sống ngoài đời thực.

Nếu không có kỹ năng, chúng ta sẽ dễ hành động nóng vội, khó kiểm soát hậu quả, thậm chí vô tình làm tổn thương người khác. Việc cân bằng tốt cảm xúc giúp chúng ta giữ gìn và phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là trong công việc. Thế nhưng trên thực tế, không ít người chưa biết cách quản lý cảm xúc cả ngoài đời lẫn không gian mạng.

quản lý cảm xúc trên mạng

Chị Trần Ái Ân (TP.HCM) chia sẻ: “Tôi thấy có những thông tin rất bình thường nhưng kéo xuống phần bình luận thấy nhiều người bức xúc, chửi bới, bình luận tiêu cực, có những lời nói nếu tôi là nhân vật chính sẽ rất tổn thương”.

Anh Trần Tuấn Vũ (TP.HCM) tâm sự: “Nhiều khi tôi gặp chuyện buồn tôi muốn đăng lên mạng xã hội để xả cảm xúc nhưng thật ra làm như vậy cũng không giúp ích được gì. Người này người kia ý kiến nhưng việc của mình vẫn còn đó không được giải quyết”.

Việc quản trị cảm xúc trên mạng có thể phức tạp hơn so với cuộc sống hàng ngày. Điều quan trọng, chúng ta cần cân nhắc trước khi đăng tải một bài viết, bình luận hoặc chia sẻ thông tin. Suy nghĩ về cách chúng ta chia sẻ có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào, tránh việc truyền tải cảm xúc một cách tiêu cực một cách quá mức. Điều này có thể tạo ra một môi trường tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tinh thần của chính mình và người khác.

Thạc sĩ Phạm Thị Bích Phượng (Chuyên gia tâm lý) đưa ra giải pháp: “Việc đầu tiên là cần nhận diện cảm xúc của mình. Không nên bỏ qua những cảm xúc nho nhỏ hàng ngày, lâu dần sẽ tích tụ dẫn đến một cơn giận bùng nổ. Phải học cách đối diện, không né tránh. Tự hỏi lại bản thân vì sao nóng giận, điều gì khiến bản thân nghĩ như vậy. Tình huống này có cách nghĩ nào khác không? Dần dần chúng ta sẽ làm chủ được suy nghĩ và kiểm soát được cảm xúc”.

Trong quá trình kiểm soát cảm xúc, lời nói ngôn từ mà chúng ta sử dụng là yếu tố rất quan trọng. Sử dụng những từ ngữ khích lệ động viên tinh thần, sẽ giúp chúng ta nhìn nhận sự việc tích cực hơn. Từ đó, giúp kiểm soát cảm xúc không chỉ của bản thân mình mà còn đối với những người còn lại trong cuộc giao tiếp. Thông thường những người thiếu tự tin thường sẽ dễ rơi vào cảm xúc tiêu cực, dẫn đến bi quan, tức giận vô cớ. Trong khi người tự tin có khả năng chủ động kiểm soát được cảm xúc của bản thân. Có được sự tự tin trong mọi tình huống giao tiếp giúp chúng ta không bị ảnh hưởng bởi những đánh giá phán xét của người khác, từ đó duy trì tinh thần lạc quan đầy năng lượng.  

Việc cân bằng tốt cảm xúc giúp chúng ta giữ gìn, và phát triển các mối quan hệ, đặc biệt là trong công việc. Trong quá trình kiểm soát cảm xúc, lời nói và ngôn từ của chúng ta sử dụng là yếu tố rất quan trọng. Sử dụng những từ ngữ mang yếu tố khích lệ và động viên tinh thần sẽ giúp chúng ta nhìn nhận sự việc tích cực hơn. Từ đó giúp kiểm soát cảm xúc, không chỉ đối với bản thân mình mà còn đối với những người còn lại trong cuộc giao tiếp.

Clip Học cách quản trị cảm xúc

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, Câu Chuyện Cuộc Sống còn chia sẻ những ý kiến phân tích, đánh giá từ các chuyên gia, những suy ngẫm, trăn trở về các sự kiện, vấn đề trong xã hội đã, đang và sẽ diễn ra. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.

Chia sẻ những khoảnh khắc trong cuộc sống lên mạng xã hội từ lâu đã trở thành thói quen của khá nhiều người. Tuy nhiên, trong chương trình Câu chuyện Cuộc sống tuần này lại đưa ra một vấn đề khiến nhiều người quan tâm. Đó là những ảnh hưởng khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc của mình trên mạng xã hội.

Cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc chia sẻ những suy nghĩ cá nhân nỗi niềm tâm sự, hay những khoảnh khắc hạnh phúc hằng ngày đã trở nên đơn giản và phổ biến hơn bao giờ hết. Có thể đối với người khác, khi họ đang có cuộc sống hạnh phúc tình cảm gia đình, vợ chồng viên mãn họ thường khoe những khoảnh khắc hạnh phúc lên mạng xã hội. Nhưng với ai đó, có thể lúc này họ không được may mắn, hôn nhân, cuộc sống đời tư đang gặp nhiều biến cố, họ sẽ xu hướng suy nghĩ tiêu cực và không thích những chia sẻ hạnh phúc của người khác. Không chỉ thế, trong các mối quan hệ trên mạng xã hội, sẽ có nhiều người đang gặp vấn đề kinh tế, việc làm, cuộc sống đang khó khăn. Nhưng khi lên mạng xã hội, họ lại thường xuyên cảm thấy những dòng chia sẻ trạng thái hạnh phúc của người khác sẽ khiến họ cảm thấy áp lực hơn.

chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội

Khi ai đó nảy sinh những cảm xúc tiêu cực, đố kị về những người thường khoe cảm xúc hạnh phúc, mối quan hệ giữa họ và chúng ta trở nên rạn nứt bằng mặt nhưng không bằng lòng. Tất nhiên trong cuộc sống, chúng ta không thể biết được hết người nào đang đau khổ để tránh chia sẻ những khoảnh khắc hạnh phúc. Điều quan trọng chúng ta cần hết sức cân nhắc trước khi chia sẻ lên mạng xã hội.

Việc đăng tải chia sẻ hình ảnh hạnh phúc cá nhân lên mạng xã hội là quyền của mỗi người. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc nếu điều đó khiến người khác khó chịu. Vì có thể sự ganh ghét của mọi người cũng ảnh hưởng không tốt đến chính bản thân người chia sẻ câu chuyện đó.

Clip Cân nhắc khi chia sẻ cuộc sống hạnh phúc lên mạng xã hội:

Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau

Cuộc sống ngày càng hiện đại, quan điểm nuôi dạy con cái so với trước đây dần có sự khác biệt. Cũng chính vì điều này một số gia đình, việc chăm sóc các con có không ít ý kiến trái chiều, thậm chí là mâu thuẫn. Theo chuyên gia, khi những mâu thuẫn diễn ra trong thời gian dài mà không có hướng giải quyết thỏa đáng, cha mẹ sẽ dần mất bình tĩnh và sự kiềm chế của bản thân, thậm chí cãi nhau ngay trước mặt con và điều này gây ra rất nhiều hệ lụy.

Thực tế sự thiếu thống nhất trong quá trình nuôi dạy con cũng có thể tạo ra môi trường căng thẳng trong gia đình, ảnh hưởng đến tình cảm giữa các thành viên và sự phát triển của con cái. Khi trẻ nhận thức được sự khác biệt trong cách dạy của cha mẹ, trẻ có thể bối rối và không chắc chắn về những quy tắc nào trẻ nên học theo. Điều này có thể gây ra sự rối loạn về tâm lý, hành vi và tinh thần trong quá trình hình thành nhân cách của con.

Trong cách dạy con, theo các chuyên gia, vợ chồng cần thể hiện sự tôn trọng và kiềm chế, tránh cãi trước mặt con. Dù dạy trẻ theo phương pháp nào, các bậc phụ huynh đều mong muốn con mình thành người tài giỏi và hạnh phúc. Chính vì thế sự khác biệt trong việc giáo dục con cái hoàn toàn có thể giải quyết được, vì cha mẹ nào cũng mong những điều tốt nhất cho con.

Clip Khi cách giáo dục con của cha mẹ có sự khác nhau

Dạy con chữ “tín”

Lời hứa của cha mẹ luôn được trẻ ghi nhớ và mong mỏi thực hiện, không ít trẻ còn xem đó là động lực để phấn đấu và nỗ lực đạt được. Khi cha mẹ giữ lời hứa, trẻ sẽ cảm thấy an toàn và tin tưởng, ngược lại khi cha mẹ thất hứa nhiều lần trẻ có thể đánh mất niềm tin dành cho cha mẹ. Đối với một số trẻ yếu đuối hay trầm tính, việc thất hứa của cha mẹ sẽ khiến trẻ cảm thấy tổn thương và khó xoa dịu, trẻ có thể thấy bản thân không được quan trọng, hoặc một số trẻ có cá tính mạnh mẽ sẽ có phản ứng tiêu cực. 

Ngoài ra khi thấy con trẻ xuất hiện hành vi nói dối, mất chữ tín với mọi người xung quanh, cha mẹ phải kịp thời giáo dục và uốn nắn con, nói cho con biết tầm quan trọng của việc nói thật và những hậu quả có thể xảy ra: Mất lòng tin của bạn bè, làm tổn thương người khác, khó xây dựng quan hệ bền chặt với mọi người xung quanh. Trẻ con luôn có thói quen nhìn vào hành vi, cách cư xử của cha mẹ để học theo, do vậy hơn ai hết mỗi phụ huynh cần là tấm gương sáng cho trẻ noi theo từ những việc làm nhỏ nhặt.

 Giữ chữ tín là cơ sở hình thành sự tin tưởng cho các mối quan hệ giúp trẻ nhận được sự tín nhiệm và tôn trọng từ mọi người xung quanh. Cha mẹ cần hình thành cho trẻ một nguyên tắc, nếu vì bất kỳ lý do nào đó không thực hiện được lời hứa cần nói lời xin lỗi chân thành một cách sớm nhất. Thông qua đó còn truyền tải cho trẻ một thông điệp quan trọng về việc đối diện với sai lầm, đối xử với người khác bằng sự tôn trọng và sống có trách nhiệm. 

Clip Dạy con chữ “tín”

Thoát khỏi tâm lý ngại ở rể

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc ở rể sau khi cưới, trong đó dễ thấy nhất là gia đình vợ chỉ có một cô con gái duy nhất hoặc sức khỏe ba mẹ kém cần người chăm sóc, hay bên nhà vợ có điều kiện tốt hơn để phát triển công việc. Nhưng dù là nguyên nhân gì, đa phần người đàn ông sẽ có một nỗi niềm đó là vượt qua mọi định kiến của xã hội về vấn đề ở rể. Bởi xưa nay nhiều người vẫn có suy nghĩ nam giới cần chủ động trong cuộc sống và là trụ cột gia đình. Vì vậy phải sống độc lập và không nên dựa dẫm vào gia đình vợ.

Từ những định kiến khi ở rể, tâm lý người đàn ông bị ảnh hưởng, họ có thể sống không đúng với tính cách mong muốn của mình. Điều này tạo ra áp lực  cho những người đàn ông sống nhà vợ, họ luôn căng thẳng, sợ dư luận phán xét. Từ những áp lực cộng thêm rào cản khoảng cách giữa các thế hệ khiến không ít người cảm thấy khó hòa nhập với khi ở nhà vợ, từ đó dẫn đến xảy ra mâu thuẫn giữa ba mẹ vợ hay với vợ, thậm chí có những trường hợp đổ vỡ trong hôn nhân.

Trong xã hội hiện nay, nhiều gia đình vẫn có quan điểm rất cởi mở trong hôn nhân. Khá nhiều con rể với tính cách vui vẻ, chừng mực và biết quan tâm sống hòa đồng luôn được mọi người quý mến. Trong đó người vợ chính là sợi dây gắn kết giữa cha mẹ ruột và chồng mình. Đồng thời giải thích cho chồng hiểu về mọi thứ trong gia đình, và phía gia đình vợ cũng cần biết chia sẻ và tạo điều kiện tốt nhất để con rể tự tin hòa nhập với gia đình.

Clip Thoát khỏi tâm lý ngại ở rể

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. 

Tuần này, chương trình Lời Cảnh Báo tiếp tục cập nhật những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây như: Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập, nguy hại từ những nhóm xúi giục trên mạng xã hội.

Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập

Trong thời đại công nghệ phát triển hiện nay, những ứng dụng giải bài tập cho học sinh ra đời và trở thành công cụ tiện lợi, hỗ trợ quá trình học tập.

Với thao tác đơn giản từ app giải bài tập, học sinh chỉ cần đưa điện thoại chụp lại đề bài rồi chờ vài giây đáp án sẽ hiện ra, không chỉ một mà còn nhiều cách giải khác nhau xuất hiện. Lời giải của các ứng dụng giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nội dung học bằng cách cung cấp giải đáp cho những thắc mắc và vấn đề khó khăn mà học sinh gặp phải. Tuy nhiên trước khi xem đáp án trên ứng dụng, học sinh nên tự giải quyết bài tập, việc này không chỉ giúp phát triển kỹ năng tự học, rèn luyện thói quen tự giác và sự kiên nhẫn.

sử dụng ứng dụng giải bài tập

Mặc dù ứng dụng giải bài tập giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về nội dung bài học, tăng cường kiến thức và kỹ năng. Nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi học sinh lạm dụng. Thay vì tự mình suy nghĩ và tìm kiếm giải pháp, nhiều học sinh dựa vào ứng dụng để có đáp án được nhanh chóng làm suy giảm sự cố gắng và khả năng tư duy. Sự phụ thuộc vào các ứng dụng giải bài tập từ nhỏ có thể khiến hình thành thói quen, dựa dẫm ỷ lại, đánh mất khả năng sáng tạo, chủ động và  trung thực trong học tập và trong cuộc sống. Việc dùng ứng dụng giải bài tập nên như một công cụ để thảo luận hoặc chia sẻ kiến thức với bạn bè, giáo viên thông qua đó giúp học sinh hiểu rõ và nhớ lâu hơn.

Đồng thời giáo viên cũng có vai trò rất quan trọng việc giám sát và định hình cách học tập của học sinh để đảm bảo rằng ứng dụng giải bài tập được sử dụng một cách có trách nhiệm và hiệu quả.

Clip Không nên lạm dụng ứng dụng giải bài tập

Nguy hại từ những nhóm xúi giục trên mạng xã hội

Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội nhiều hội nhóm xúi giục làm điều xấu với nội dung tiêu cực như: “Những người bị trầm cảm, rối loạn lo âu muốn tự tử”, “Hội những người vỡ nợ thích làm liều”, “Hội ngoại tình vụng trộm giao lưu kết bạn toàn quốc”…

Hầu hết những nội dung đăng tải đều mang nội dung tiêu cực hướng người tham gia đến điều sai trái thậm chí xúi giục nhau tìm cách tự tử. Đa số tâm lý người tham gia những hội nhóm này đều mong muốn tìm người có cùng hoàn cảnh với mình để tìm sự đồng cảm chia sẻ. Song các hội nhóm độc hại dễ dàng trở thành diễn đàn giữa những người tham gia và những kẻ có mục đích xấu. Khi tinh thần bất ổn người tham gia dễ dàng tin lời xúi giục dẫn đến những hành vi nguy hiểm.

Luật sư Bùi Trọng Hiển – Giám đốc công ty luật Bùi Trọng Hiển cho biết: “Theo quy định của pháp luật, hành vi xúi giục kích động bạo lực tệ nạn xã hội, cung cấp chia sẻ thông tin gây hoang mang nhân dân sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, người có hành vi xúi giục dụ dỗ người khác tự sát có thể nhận mức án cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trong trường hợp nếu làm cho 2 người tự sát trở lên sẽ nhận mức phạt tù từ 2 đến 7 năm”.

Trước sự nguy hiểm của hội nhóm trên, mỗi người tham gia mạng xã hội cần có sự chọn lọc thông tin và thái độ lên án, phê phán đối với những hội nhóm độc hại này. Đôi khi chỉ vì một phút không kiềm chế cảm xúc của bản thân, người tham gia vô tình hoặc cố ý truyền đi những thông tin nguy hại hoặc ảnh hưởng đến người khác. Do vậy khi thấy bản thân hay người thân có dấu hiệu về tâm lý cần lắng nghe chia sẻ, tùy vào mức độ hãy nhanh chóng tìm đến những người có chuyên môn để tìm biện pháp điều trị phù hợp, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Nguy hại từ những nhóm “xúi giục” trên mạng xã hội

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội…Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do đài truyền hình Vĩnh Long phối hợp Jet Studio thực hiện.

Đánh vào tâm lý thương người khó khăn của nhiều người dân, nhiều đối tượng đã tạo lập các trang mạng xã hội với danh nghĩa hoạt động từ thiện, dựng nên các câu chuyện thương tâm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền lừa đảo có khi lên đến hàng chục tỷ đồng, đây là thủ đoạn phạm tội rất đáng lên án, người dân cần nâng cao cảnh giác.

Sức lan tỏa của mạng xã hội là rất lớn, vì thế các hoạt động kêu gọi quyên góp từ thiện trên không gian mạng trở nên khó kiểm soát. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải – Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết: “Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt từ 1 đến 2 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền đã kêu gọi. Hành vi chiếm đoạt tài sản có đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Mức phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí là tù chung thân”.

Để tránh bị lừa đảo khi làm từ thiện, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác, thận trọng tìm hiểu và xác minh, kiểm chứng thông tin, liên hệ đến chính quyền địa phương với các tổ chức đoàn thể liên quan. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn xử lý kịp thời. Từ thiện sai cách, không đúng người đúng chỗ sẽ vô tình tiếp tay cho các đối tượng xấu, làm giảm niềm tin của người dân về công tác từ thiện.

Clip Lừa đảo từ thiện qua mạng xã hội:

Sập bẫy nhận quà qua mạng xã hội

Lợi dụng sự uy tín thương hiệu từ các doanh nghiệp nổi tiếng trên thị trường, nhiều đối tượng xấu đã tổ chức mô hình chăm sóc khách hàng, gửi quà tặng tri ân đến người tiêu dùng nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt với công nghệ phát triển hiện nay, chiêu trò ngày một tinh vi hơn nhắm đến các đối tượng như: người cao tuổi, mẹ bỉm sữa, sinh viên.

Mới đây phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao công an tỉnh Quảng Ngãi đã tiếp nhận vụ việc. Giả mạo thương hiệu, sàn thương mại điện tử lớn để lừa đảo với số tiền thiệt hại lên đến 6 tỷ đồng. Nhiều nhãn hàng bị mạo danh trên các bài viết với tiêu đề: tri ân khách hàng, tặng quà miễn phí, trải nghiệm đánh giá sản phẩm miễn phí xuất hiện nhiều trên các nền tảng xã hội. Không ít người không thể cưỡng lại và trở thành nạn nhân của bẫy lừa tinh vi này.

Luật sư Lê Bá Thường – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Văn hóa Doanh nghiệp cho biết: “Khi không may mắc phải chiêu lừa tinh vi này, người dân cần giữ lại chứng cứ, bằng tin nhắn và hình ảnh khi giao tiếp với các đối tượng lừa đảo. Sau đó tiến hành làm đơn trình báo đến các cơ quan pháp luật để được hỗ trợ điều tra tìm ra tội phạm, lấy lại được tài sản cho người dân bị thiệt hại. Đồng thời để tránh bị lừa đảo thông qua mạng xã hội, người dân nên hạn chế tiết lộ thông tin cá nhân của mình, sàng lọc kỹ thông tin trước khi tiếp nhận. Tuyệt đối không chuyển tiền với những người không quen biết qua mạng xã hội”.

Clip Sập bẫy nhận quà qua mạng xã hội:

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự, được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.

Bên cạnh những lợi ích mạng xã hội mang lại thì đây cũng là mảnh đất màu mỡ để nhiều người thể hiện cái tôi, hay nói khác đi là có văn hóa ứng xử chưa phù hợp. Điều này tưởng chừng như vô hại nhưng nó lại rất quan trọng, bởi mỗi hành vi ứng xử trên không gian mạng đều có sức lan tỏa rộng rãi, và tác động đến bản thân và mọi người xung quanh.

Anh Lê Thành Nhơn đang sinh sống tại Quận 8, TP.HCM cho biết, anh thường bị thu hút bởi các tin tức trên mạng, anh cảm thấy được sự đồng điệu với những người có cùng quan điểm với mình. “Khi cuộc sống tôi có nhiều áp lực, tôi thường xem và để lại những dòng bình luận trên các bài viết bóc phốt, để giải tỏa căng thẳng cho bản thân tôi”anh tiết lộ.

Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi – Chuyên gia Xã hội học cho biết: Mạng xã hội là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, giúp kết nối giao lưu và chia sẻ với mạng xã hội. Chúng ta sẽ dễ dàng nhận sự công kích nếu chúng ta có cách ứng xử không tốt, đây là một trong những vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của giới trẻ và tất cả người dùng tham gia mạng xã hội”.

Mạng xã hội tràn ngập những thông tin, vì thế chúng ta cần chọn lọc, tìm hiểu kỹ trước khi đưa ra những nhận xét, bình luận vội vàng không đúng sự thật hoặc ác ý. Cũng giống như cuộc sống thường ngày, việc ứng xử trên mạng xã hội luôn cần có thái độ tôn trọng người khác, biết quan tâm lắng nghe chia sẻ và thông cảm. “Người bị tấn công và công kích bởi mạng xã hội, dẫn đến việc họ dễ dàng cảm thấy bị tổn thương, thu mình lại không muốn tiếp xúc với xã hội thực bên ngoài. Hoặc tự làm tổn thương bản thân mình để giải tỏa đi những áp lực mà mạng xã hội mang đến. Đó là những hậu quả và hệ lụy mà mạng xã hội mang đến nếu chúng ta cư xử không đúng, không tích cực”chuyên gia nhấn mạnh.

Mạng xã hội là một kênh giao tiếp hiện đại nhằm làm cho cuộc sống con người trở nên sinh động, đa dạng và phong phú hơn. Vì thế chúng ta cần có trách nhiệm giữ gìn nguồn tài nguồn này phục vụ con người tốt hơn, đồng thời tạo nên văn hóa ứng xử văn minh và lan tỏa đến cộng đồng.

Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua đã có phóng sự chi tiết về vấn đề trên, để hiểu thêm về vấn đề này, xem thêm tại đây

Câu Chuyện Cuộc Sống là chương trình có thời lượng 7-9 phút khai thác thông tin đa chiều, khách quan về các vấn đề đời sống xã hội đang được công chúng quan tâm. Bằng những cuộc đối thoại ngắn kết hợp video dàn dựng, phóng sự phản ánh, Câu Chuyện Cuộc Sống làm khơi gợi lên những chủ đề đang được xã hội quan tâm như: đạo đức gia đình, trách nhiệm với xã hội, pháp luật, pháp lý, văn hóa, an toàn sống của những cá nhân, tập thể điển hình,… Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Trong chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống tuần qua đã phản ánh tình trạng sống ảo bất chấp của không ít người trong xã hội hiện nay.

Dù thất nghiệp, nhưng chị T.N.Đ vẫn cố gắng thể hiện mình có thu nhập cao, hằng ngày chị tìm mọi cách để có hình ảnh về những bữa tiệc sang trọng, các mẫu quần áo thời thượng để đăng lên mạng xã hội. Để rồi ở đời thực, chị phải chật vật với những khoản nợ. “Ban đầu đăng lên thấy bạn bè họ khen nhiều khiến tôi rất thích, để rồi càng về sau tôi nhận ra mình không đọng lại được gì ngoài số tiền nợ”, chị nói.


Ths Trần Hải Nguyên (Chuyên gia tâm lý) phân tích, một người bước chân vào thế giới ảo, liền cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều so với những bộn bề lo toan ngoài đời thực. Những lời tán dương chính là chất xúc tác khiến họ thích trải nghiệm cảm xúc hơn việc chấp nhận thực tại. Giá trị ảo là một giá trị không có thực, những cảm xúc vui vẻ chỉ tồn tại trong phút chốc rồi lại nhanh chóng tan biến đi. Rất nhiều người đã từ bỏ gia đình, chọn cách trốn chạy sau khi theo đuổi những giá trị ảo để rồi nhận lại những hậu quả đau đớn.
Chuyên gia khuyên mọi người đang chạy theo những giá trị ảo, nhanh chóng trở về với cuộc sống thực tại. Tập trung sắp xếp công việc, các mối quan hệ và cân đối thời gian cho thế giới thực tại và thế giới ảo.


Tiêu chí đánh giá mỗi người là ở nhân phẩm, trí tuệ, học vấn chứ không phải những giá trị không có thực. Các bạn trẻ cần phải tỉnh táo để sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, tránh sa đà vào thế giới ảo.


Link tập 69: Đừng chạy theo những giá trị ảo

Công khai tài chính với bạn đời
Từ nhiều năm nay, anh Minh Trung và chị Kim Dung luôn dành một khoảng thời gian nhất định vào mỗi cuối tháng, để công khai về tài chính và thảo luận về mọi khoản chi tiêu, thu nhập và tiết kiệm của gia đình. Đối với cả hai, việc xây dựng thói quen này đã trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hôn nhân. “Mỗi tháng vợ chồng tôi đều công khai thu nhập với nhau, sau đó mỗi người trích ra một khoản tiền để chi tiêu cho những công việc chung của gia đình, phần còn lại mỗi người chúng tôi tự do quản lý, việc rõ ràng như vậy khiến vợ chồng chúng tôi rất ít xảy ra cãi nhau về vấn đề tài chính”, chị Dung chia sẻ.


TS Nguyễn Thị Vân (Chuyên gia tâm lý) cho biết: “Việc công khai tài chính giúp vợ chồng có kế hoạch để xây dựng cuộc sống hôn nhân, chẳng hạn như việc dành mỗi phần tiền để chi tiêu cho giáo dục con trẻ, chi phí thường ngày của gia đình và những mối quan hệ với bạn bè xung quanh, như vậy sẽ giúp cho vợ chồng thấu hiểu và chia sẻ với nhau nhiều hơn”.
Theo các chuyên gia, việc công khai tài chính giữa vợ chồng còn được xem như một cơ chế giám sát chéo, từ đó tránh được rủi ro liên quan đến các khoản chi như vay mượn, đầu tư mạo hiểm, hạn chế việc mua những món đồ quá xa xỉ, hay những ‘quỹ đen’ dành cho những mục đích không minh bạch.


Thực tế trong mối quan hệ gia đình, tranh cãi về tài chính cũng đi kèm nhiều cảm xúc, từ đố kỵ, sợ hãi đến xấu hổ. Hậu quả từ những xích mích có thể khiến một số người nảy sinh những hành động không minh bạch, thậm chí ly hôn.
Chuyên gia tài chính Tạ Thanh Hùng khuyến khích sự cởi mở, trung thực về tài chính giữa các cặp vợ chồng, điều này ngoài giúp ích cho vấn đề xây dựng kế hoạch tài chính cho hôn nhân còn thể hiện sự tôn trọng đối với bạn đời của mình. Ngoài ra vợ chồng cần có nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt về thu nhập, đồng thời phải chịu trách nhiệm cùng nhau trước những vấn đề của cuộc sống hôn nhân.

Link tập 70: Công khai tài chính với bạn đời

Giáo dục tài chính cho trẻ
Lê Hoàng Minh, một bạn trẻ ngụ tại TP.HCM thừa nhận việc thường xuyên gặp phải tình trạng chi nhiều hơn số tiền mà mình đang có, phần lớn là cho thói quen mua sắm. Tương tự với trường hợp của sinh viên Lê Bảo Phương, dù biết những món đồ mình sắp chi tiền mua không đem lại nhiều giá trị cho cuộc sống, nhưng vẫn không thể ngừng việc mua sắm vô tội vạ, thói quen này đại diện cho nhiều bạn trẻ hiện nay thường lâm vào cảnh thiếu hụt kinh tế, thậm chí là cả vay nợ để phục vụ cho sở thích mua sắm của mình.


TS Huỳnh Thanh Điền (Chuyên gia kinh tế) khuyến khích các bậc phụ huynh đầu tư vào giáo dục tài chính con trẻ càng sớm càng tốt, từ đó tạo kiến thức nền tảng giúp con vững vàng cho cuộc sống sau này. Bắt nguồn từ việc kiếm tiền thông qua việc tạo ra giá trị có ích cho xã hội, tiếp theo là sử dụng tiền để giúp ích cho sức khỏe, và tương lai của con trẻ, cuối cùng là giúp con nhận ra và tôn trọng giá trị sức lao động.


Hiện nay, việc giáo dục tài chính cho trẻ đã được nhiều trung tâm phối hợp với công tác trường để tạo ra những buổi sinh hoạt giúp các em sớm có được thói quen tiết kiệm và không lãng phí tiền bạc. Song song với đó, ba mẹ cũng cần chọn lọc kiến thức giáo dục tài chính, để thiết lập lộ trình hợp lý với mức độ phù hợp với khả năng tiếp thu của trẻ. Khi trẻ từ 5 – 6 tuổi, ba mẹ có thể dạy những bài học đơn giản để nhận dạng các tờ tiền và công dụng. Trẻ từ 7 tuổi trở lên bắt đầu có sự phát triển rõ nét về tư duy, lúc này, ba mẹ dạy cho trẻ kiến thức về tài chính gắn liền với việc giúp trẻ nhận thức đúng về giá trị của đồng tiền. Điều này không chỉ giúp trẻ có khả năng tự lập trong suy nghĩ, mà còn khơi gợi cho con hiểu rằng, muốn thực hiện mong ước, hãy dựa vào chính mình.


Link tập 71: Giáo dục tài chính cho trẻ

Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1. Chương trình do Đài truyền hình Vĩnh Long và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Trong chương trình Lời Cảnh Báo phát trên THVL tuần qua, một người phụ nữ đã thất lạc người quen nhiều ngày chia sẻ: sau quá trình tìm kiếm gần như không có tung tích, chị quyết định đăng bài lên mạng xã hội hình ảnh và đặc điểm của người thân. Thế nhưng, cũng vì thế gia đình chị lại trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội.

“Họ chủ động liên lạc và yêu cầu tôi chuyển vào tài khoản của một người đàn ông 7 triệu đồng, hứa rằng chỉ cần vài ngày sau sẽ đưa người nhà của tôi trở về. Lúc đầu tôi băn khoăn, nhưng sau khi họ miêu tả chính xác đặc điểm của người thân của tôi và cả hoàn cảnh gia đình tôi, nên tôi liền chuyển tiền. Đến ngày hẹn thì tôi không thể liên lạc được với họ, lúc này mới biết mình đã bị lừa”, nạn nhân kể lại.

Đánh vào tâm lý lo lắng của các gia đình có người thân thất lạc, mất tích, nhiều đối tượng đã tìm cách liên lạc với những gia đình này, khai thác những thông tin mà người nhà đăng tải công khai lên mạng xã hội, biến họ trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo.


Theo Luật sư Phạm Thị Thanh Thúy (Giám đốc Cty Danh Trí Phát) cho biết, hành vi trên có thể căn cứ theo quy định pháp luật để xử phạt vi phạm hành chính từ 2 – 3 triệu đồng và tịch thu các tang vật phạm tội. Trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến chung thân, tùy theo số tiền chiếm đoạt.


Việc chia sẻ thông tin để tìm kiếm thân nhân mất tích thông qua mạng xã hội là một cách làm hiệu quả, nhưng để thực hiện chúng một cách an toàn, hiệu quả, người dân cần hết sức cẩn trọng và đề phòng những kẻ xấu có thể giăng bẫy bất cứ lúc nào.


Tiến sĩ Đoàn Văn Báu (Chuyên gia Tâm lý tội phạm) cho lời khuyên: “Chúng ta chỉ nên đăng những thông tin cốt lõi nhất, có thể cung cấp thông tin rõ ràng nhưng cần hạn chế công khai toàn bộ thông tin cá nhân. Khi nhận được những cuộc gọi như trên và đặc biệt là các giao dịch chuyển tiền, cần phải xác minh, đối chiếu thật kỹ”.
Link tập 45: Lợi dụng tìm người thất lạc, mất tích qua mạng xã hội để lừa tiền
https://youtu.be/r9OR-anwQ_Y

Du lịch độc hành liệu có an toàn?
Mệt mỏi sau khi giải quyết khối lượng công việc dày đặc, chị Hoàng Hằng đang là nhân viên văn phòng tại TP.HCM, đã lựa chọn mô hình du lịch độc hành, chuyến đi không có lịch trình cụ thể, chỉ dành toàn bộ thời gian cho những sở thích bất chợt của bản thân để lựa chọn điểm đến cho mình.


Hiện nay, du lịch độc hành không còn là điều quá mới mẻ, khi các điều kiện đi lại đều rất thuận lợi để mỗi người dân có thể đi du lịch bất cứ lúc nào, người chọn mô hình này có thể chủ động về thời gian lẫn lịch trình do chính bản thân mình kiểm soát.


Ths Đỗ Hồng Quân (Trường ĐH mở TP.HCM) cho biết, du lịch độc hành mang lại những trải nghiệm vô cùng mới mẻ, những thuận lợi có thể kể đến như tiết kiệm chi phí, dễ dàng giao lưu với các nền văn hóa và mối quan hệ mới, điều này tạo ra sự cuốn hút, thích thú đối với nhóm người thích mô hình này, đặc biệt là các bạn trẻ.


Tồn tại song song với những thuận tiện của du lịch độc hành, vẫn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro. Mới đây, anh B.L.X.H khi đi du lịch một mình không may trượt ngã trên đèo Hải Vân. Thời điểm gặp nạn, anh H đã nhanh chóng gửi định vị về cho gia đình để cầu cứu. Sau khi nhận được cứu hộ từ Bộ chỉ huy – Bộ đội biên phòng TP. Đà Nẵng, anh đã được giải cứu thành công sau 7 ngày đêm bị mắc kẹt dưới vực sâu.


Thạc sĩ Đỗ Hồng Quân khuyên mọi người trước khi tham gia hoạt động du lịch độc hành cần trang bị đủ kiến thức về văn hóa, địa lý, khí hậu nơi mà chúng ta sắp đặt chân đến. Thường xuyên chia sẻ, cập nhật thông tin lộ trình di chuyến đến người thân và bạn bè, tự chuẩn bị những trang thiết bị bảo hộ phù hợp với địa điểm mà chúng ta chọn trước, cuối cùng, có thể mua những gói bảo hiểm để có những bảo trợ tốt nhất phòng trường hợp rủi ro xảy ra.
Link tập 46: Du lịch độc hành liệu có an toàn?
https://www.youtube.com/watch?v=m8MK2SD8rQI

Lời Cảnh Báo là một chương trình mang đầy tính thời sự. Bên cạnh việc phản ánh những vấn đề đang được xã hội quan tâm, Lời Cảnh Báo còn cung cấp cho người dân nhiều kiến thức bổ ích về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống như: kinh tế, sức khỏe, giáo dục, an ninh, trật tự xã hội… Lời Cảnh Báo được phát sóng vào lúc 19h50 Thứ Hai và Thứ Tư hàng tuần trên kênh THVL1.